Kể từ khi mẹ chồng qua đời, sức khỏe của bố chồng tôi yếu hẳn. Thế nhưng khi ông cần sự chăm sóc nhất, 2 người anh trai chồng, người được bố chồng yêu thương và kỳ vọng nhất lại từ chối chăm sóc ông.
– Con bận lắm, không có thời gian chăm sóc bố. Hơn nữa, ngày đó số tiền bố mẹ cho con mua nhà đã mua đứt được căn nhà đâu, giờ con còn phải trả nợ mua nhà nữa, chi phí trên thành phố thì đắt đỏ.
Anh trai cả nói với vẻ mặt khó chịu khi chúng tôi đang bàn bạc xem chăm sóc bố như thế nào. Người anh thứ cũng không chịu thua:
– Cuộc sống của vợ chồng con cũng không dễ dàng gì. Con thường xuyên phải tăng ca, sao có thể chăm sóc bố được? Vợ chồng em út ở gần bố hơn thì hãy chăm sóc bố đi.
Nhìn hai người anh đùn đẩy trách nhiệm, lòng vợ chồng tôi nguội lạnh. Cuối cùng sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định đưa bố về sống cùng gia đình mình để chăm sóc ông.
Gia đình hai người anh trai chồng liên tục đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc bố chồng. (Ảnh minh họa)
Thời gian trôi qua, bố chồng đã ở nhà chúng tôi được 6 năm. Trong thời gian này, ông không có lương hưu hay tiền trợ cấp, sức khỏe yếu không thể làm việc nên chưa bao giờ đưa cho tôi được đồng nào đi chợ. Hai người anh thì như bị bốc hơi vậy, không hề quan tâm đến bố.
Dẫu vậy, vợ chồng tôi vẫn tận tâm chăm sóc bố, không một lời oán trách. Tuy nhiên, cuộc sống bình yên của chúng tôi bị đảo lộn khi ngôi nhà cũ của bố bị giải tỏa. 2 tỷ tiền bồi thường và một căn hộ mới đã dấy lên lòng tham của 2 người anh, khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.
Lúc ấy, hai người anh trai đã gạ gẫm đón bố về nhà mình ở.
– Bố ở nhà em út lâu rồi, giờ bố đến nhà con ở đi để con cũng có cơ hội phụng dưỡng bố. Con sẽ tìm điều dưỡng tốt nhất để chăm sóc bố.
Anh trai cả tươi cười nói, nhưng ánh mắt lại lộ rõ sự tham lam. Anh trai thứ cũng không chịu kém cạnh:
– Bố đừng nghe anh, nhà anh chật lắm, ở đó không thoải mái. Nhà con rộng rãi, con sẽ nấu cho bố những món ăn ngon mỗi ngày.
Cứ như vậy, những năm tháng cuối đời, bố chồng đã sống ở nhà 2 người anh trai. Thế nhưng khi bố chồng qua đời, luật sư lại công bố di chúc rằng bố chồng đã để lại toàn bộ tài sản, gồm 2 tỷ tiền bồi thường và một căn nhà, cho vợ chồng tôi.
Cả hai người anh trai đều sững sờ, không thể tin vào tai mình. Họ đã cố gắng lấy lòng bố chỉ để nhận lại một cái kết bất ngờ.
Luật sư còn đưa cho vợ chồng tôi một bức thư do bố viết tay. Trong thư, ông viết: “Gửi con trai Hùng, điều bố hối tiếc nhất trong đời là đã không đối xử tốt với vợ chồng con. Bố đã nhìn thấu bản chất hai người anh trai của con. Bố biết rằng chỉ khi cho chúng hy vọng, chúng mới chăm sóc bố. Còn vợ chồng con, trong suốt 6 năm qua, các con đã dành cho bố tình cảm chân thành mà không hề mong đợi điều gì. Tài sản này là phần thưởng cho lòng hiếu thảo của các con”.
Đọc bức thư bố chồng viết, chồng tôi rơi nước mắt. (Ảnh minh họa)
Chồng tôi rơi nước mắt, tôi cũng không kìm được cảm xúc, hai người anh trai thì cúi mặt xấu hổ. Nhưng sau đó, họ vẫn cố gắng tìm cách đòi chia tài sản. Tuy nhiên, vợ chồng tôi đã từ chối, vì chúng tôi biết rằng đây không chỉ là tài sản mà còn là sự công nhận cho những tình cảm chân thành mà chúng tôi đã dành cho ông.
Hơn nữa, năm xưa bố mẹ đã dốc hết tiền tiết kiệm lo cho hai anh trai chồng, còn chồng tôi chẳng có gì, đều phải tự lực cánh sinh. Vì vậy, số tài sản này chúng tôi đáng được nhận.
Qua chuyện này tôi cũng nhận ra rằng, trong cuộc sống, sự chân thành và giả dối thường bị phơi bày khi đứng trước lợi ích. Đôi khi, tình cảm gia đình mà chúng ta nghĩ chỉ là lớp vỏ bọc giả dối, được che đậy bởi lợi ích. Ngược lại, tình cảm chân thành là sự hy sinh thầm lặng, không mong đợi đền đáp.
Khi mọi chuyện lắng xuống, những người bị tiền bạc che mờ mắt sẽ phải sống trong hối hận, trong khi những ai giữ vững lòng chân thành sẽ nhận được những món quà tình cảm quý giá nhất.