8 ký hiệu đèn cảnh báo quan trọng nhất trên ô tô

Bảng táp-lô ô tô được thiết kế với rất nhiều ký hiệu/đèn cảnh báo khác nhau, có công dụng cảnh báo người dùng về những vấn đề mà ô tô đang gặp phải. Với những dòng xe càng hiện đại, trang bị càng nhiều thiết bị tự động hóa càng có nhiều kí hiệu trên táp-lô. Tuy vậy, không phải tài xế nào cũng hiểu được ý nghĩa của các đèn cảnh báo đó.
Hệ thống các loại đèn cảnh báo

Trong một khảo sát của Tập đoàn Britannia Rescue trên hơn 2.000 tài xế tại Anh quốc, có đến 98% không hiểu hết ý nghĩa của đèn cảnh báo trên táp-lô ô tô và chỉ có 52% người hiểu được một nửa các ký hiệu. Một phần tư trong số họ có ít nhất một hoặc nhiều ký hiệu cảnh báo sáng lên lúc đang lái xe mà họ không hề biết là chuyện gì đang xảy ra, chủ yếu nhất là các cảnh báo liên quan đến đèn động cơ, ắc quy hoặc cảnh báo về dầu. Gần một nửa (48%) các tài xế khi được hỏi thậm chí không nhận ra đèn báo phanh và hơn một phần ba (35%) không thể hiểu được cảnh báo túi khí, trong đó có 27% nhầm đấy là cảnh báo dây an toàn.

Trong số hàng chục ký hiệu trên táp-lô thì chỉ có 8 ký hiệu đèn là quan trọng nhất ở tất cả các loại xe. Nếu một trong 8 ký hiệu đèn này xuất hiện, bạn cần ngay lập tức kiểm tra chiếc xe ngay để đảm bảo an toàn khi vận hành.

Đèn báo động cơ

Ký hiệu đèn báo động cơ trên ô tô

Đây là ký hiệu có tầm ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, thường sẽ thể hiện ý nghĩa các vấn đề xảy ra với động cơ xe. Trường hợp khi gặp vấn đề trùng với mã sự cố được lưu trữ ở trong bộ điều khiển xe của bạn thì đèn này sẽ xuất hiện.

Bạn sẽ phải tìm hiểu một số sự cố trong bộ điều khiển động cơ xem nó thể hiện điều gì, lúc đó mới có thể khắc phục và sửa chữa khi vấn đề này xảy ra. Cụ thể, phải sử dụng máy quét OBD-II thì bạn mới có thể đọc được bộ nhớ mã sự cố.

Tốt nhất, hãy gọi cứu hộ để bảo vệ động cơ chiếc xe, không nên tiếp tục điều khiển xe vì có thể làm cho động cơ hư hỏng nặng hơn.

Đèn cảnh báo hệ thống trợ lực vô lăng

Ký hiệu đèn cảnh báo hệ thống trợ lực vô lăng trên ô tô

Đèn cảnh báo vô lăng trợ lực phát sáng có nghĩa là hệ thống trợ lực của vô lăng đang gặp vấn đề. Lúc này, khi xoay vô lăng sẽ cảm thấy nặng và khó xoay. Điều này rất nguy hiểm, nhất là khi lái xe ở tốc độ cao. Vấn đề này thường gặp hơn ở các loại xe sử dụng hệ thống trợ lực dầu.

Điều bạn cần làm là thay thế dầu trợ lực lái định kỳ (đối với hệ thống trợ lực lái thủy lực) giúp cho hệ thống lái xe ở trạng thái tốt nhất. Nếu có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến hệ thống trợ lực lái thì bạn nên mang xe ngay đến xưởng sửa chữa.

Đèn báo ắc quy

Ký hiệu đèn báo ắc quy trên ô tô

Khi bình ắc quy vẫn còn hoạt động tốt mà đèn báo này sẽ nổi lên màu da cam trong vài giây đầu tiên và khi tài xế bật chìa khóa điện đèn báo sẽ tắt ngay sau đó. Trường hợp này cho biết, bình ắc quy bị cạn kiệt hay máy phát điện không được sạc thì đèn báo ắc quy sẽ sáng lên và hiển thị màu đỏ.

Nếu không có nguồn điện từ bên ngoài hỗ trợ cộng với ắc quy của xe đang dần cạn kiệt, thì xe sẽ không thể khởi động được. Hoặc nếu may mắn khởi động được sau đó, nhiều khả năng xe sẽ “nằm đường” bất cứ lúc nào. Do đó, hãy nhanh chóng thay ắc quy mới.

Đèn cảnh báo túi khí-Airbag/SRS

Ký hiệu đèn cảnh báo túi khí-Airbag/SRS trên ô tô

Khi đèn cảnh báo túi khí bật sáng, lúc này hệ thống túi khí xe của bạn đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nguyên nhân của trường hợp này có thể đến từ các giắc cắm trong xe hay một cảm biến va chạm nào đó gặp trục trặc.

Trường hợp xấu nhất khi xảy ra tai nạn sẽ không có túi khí nào để cứu bạn. Do đó, hãy nhanh chóng mang xe đến trạm dịch vụ chính hãng để khắc phục.

Đèn cảnh báo hệ thống phanh

Ký hiệu đèn cảnh báo hệ thống phanh trên ô tô

Có khá nhiều nguyên nhân khiến đèn cảnh báo hệ thống phanh bật sáng. Đó có thể là do má phanh bị mòn, do áp suất dầu phanh không đủ hay đèn phanh bị cháy.

Bạn nên làm gì khi nhìn thấy đèn này? Khi đèn này bật sáng, trong nhiều trường hợp bạn có thể mất phanh. Hãy bật đèn cảnh báo khẩn cấp và đưa xe vào vị trí an toàn. Không nên tiếp tục lái xe nếu dầu phanh bị cạn.

Nếu dầu phanh vẫn đủ, nguyên nhân có thể do cảm biến ABS bị hư hỏng hoặc hệ thống dây dẫn đèn phanh bị đứt hay má phanh quá mòn đến ngưỡng cần phải thay thế. Khi đó, bạn có thể vẫn tiếp tục hành trình, nhưng cần cảnh giác cao độ và khẩn trương đưa xe vào trạm dịch vụ uy tín để xử lý.

Đèn báo áp suất lốp

Đèn cảnh báo áp suất lốp trên Hyundai Santa Fe còn đi kèm với thông số áp suất chính xác cho từng bánh xe

Khi một trong số các bánh xe đang có áp suất lốp nằm dưới mức áp suất lốp cho phép thì lúc này đèn báo này sẽ sáng. Tùy vào từng loại xe mà hệ thống có thể chỉ ra chính xác lốp xe nào gặp vấn đề.

Khi đã bơm đủ áp suất lốp, bạn cần reset lại hệ thống thì lúc này đèn báo TPMS mới tắt.

Đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát

Ký hiệu đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát trên ô tô

Khi đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát trên ô tô bật sáng, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

  • Chất làm mát có nhiệt độ quá cao và xe sắp nóng lên, đèn sẽ hiện màu đỏ.
  • Ngược lại, chất làm mát có nhiệt độ quá thấp sẽ hiện màu xanh dương, trường hợp này xuất hiện khi xe mới khởi động lại sau một khoảng thời gian dài tắt máy, thường là vào buổi sáng.

Nếu trường hợp mực nước trong bình làm mát vẫn ổn mà đèn báo đỏ thì có thể động cơ xe của bạn đang gặp vấn đề. Nguyên nhân có thể là do thiếu nước làm mát, có không khí trong hệ thống nước làm mát hoặc bơm nước bị hư hỏng.

Nhanh chóng đưa xe vào chỗ an toàn, để máy nổ ở chế độ không tải, đồng thời chuyển điều hòa sang chế độ nóng tối đa và quạt gió mạnh nhất rồi nhanh chóng mở ca-pô lên quan sát xem nước làm mát xem có bị hao hụt hay không.

Nếu thấy nước làm mát có dấu hiệu cạn (có thể kèm theo mùi khét) thì cần tắt máy ngay. Nếu còn nước nhưng nước đang sôi thì hãy để động cơ nổ không tải cho nước được lưu thông trong ít phút đến khi nguội mới tắt máy. Sau đó, bạn có thể bổ sung bằng nước sạch rồi tiếp tục hành trình nhưng hãy theo dõi liên tục, hoặc tốt nhất là đưa xe về garage uy tín để xử lý.

Đèn cảnh báo áp suất dầu

Ký hiệu đèn cảnh báo áp suất dầu trên ô tô

Đèn này sẽ xuất hiện khi bật chìa khóa điện và sẽ biến mất khi động cơ được khởi động thì đó là bình thường. Nhưng khi hệ thống cảm biến phát hiện ra áp suất dầu bôi trơn ở dưới ngưỡng an toàn thì đèn này sẽ bật sáng. Nguyên nhân thiếu áp suất dầu có thể do dầu bị rò rỉ và thiếu, hao dầu, bơm dầu hỏng…

Nhanh chóng dừng xe ở nơi an toàn và tắt máy, đồng thời kiểm tra mức dầu động cơ có bị hao hụt hay không. Nếu hao hụt thì kiếm thêm dầu bôi trơn đổ vào. Nếu dầu không hao thì nguyên nhân có thể do bơm dầu và cần sửa chữa ở garage có uy tín.

Nếu áp suất dầu không đủ, các bộ phận cơ khí chính xác cao bên trong động cơ sẽ không được bôi trơn và bị mài mòn hanh chóng. Các cơ cấu chịu áp lực cao như piston, xi-lanh, trục khuỷu… bị ảnh hưởng nặng nề đầu tiên, thậm chí bị phá vỡ do các chi tiết cào vào nhau. Động cơ của bạn trong phút chốc có thể sẽ biến thành đống sắt vụn.