Tập đoàn Sơn Hải tiết lộ bí quyết làm đường ‘ngon lành’ hơn các doanh nghiệp xây dựng khác

Theo các thông tin do Tập đoàn Sơn Hải mới tiết lộ, Sơn Hải đã đầu tư rất nhiều tiền để mua các trang thiết bị hiện đại từ nước ngoài về làm đường cao tốc tại Việt Nam, dù cho việc đầu tư này sẽ khiến chi phí đội lên trong khi đơn giá thanh toán không thay đổi.

Tập đoàn Sơn Hải tiết lộ bí quyết làm đường 'ngon lành' hơn các doanh nghiệp xây dựng khác- Ảnh 1.

Cao tốc Nha Trang Cam Lâm dài 50km, thiết kế 4 làn xe vận tốc 80km/h. Dự án có đào hầm xuyên núi, với tổng chiều dài 2 ống hầm gần 1,5km. Trên tuyến có 500 cầu, cống các loại thi công trên địa hình, địa chất phức tạp.

Tập đoàn Sơn Hải đã làm nên kỳ tích trong ngành xây dựng giao thông vận tải khi đưa vào khai thác từ ngày 19/5/2023, vượt tiến độ 3 tháng. Đáng nói, công trình hầm Dốc Sạn-một trong những mắt xích quan trọng trên tuyến cao tốc này vượt tiến độ tới 6 tháng.

Để đạt được thành tựu này, Tập đoàn Sơn Hải đã sử dụng tới rất nhiều công nghệ hiện đại, mặc dù công nghệ hiện đại đồng nghĩa chi phí sẽ cao hơn nhiều trong khi đơn giá thanh  toán không thay đổi.

Máy cấp liệu lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam

Tập đoàn Sơn Hải cho biết công ty không ngần ngại đầu tư hàng trăm tỷ đồng tiền thiết bị hiện đại từ các nước tiên tiến để phục vụ cho dự án như máy cấp liệu trong công tác thi công mặt đường  bê tông nhựa. Thiết bị này lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam.

Sử dụng công nghệ này sẽ giúp triệt tiêu được vết hằn trên mặt đường, làm cho mặt đường bằng phẳng hơn, thảm bê tông nhựa qua thiết bị này được gia nhiệt và trộn thêm một lần nữa để có một cấp khối bê tông nhựa đều hơn, tạo ra độ nhám mặt đường tốt hơn.

Tập đoàn Sơn Hải tiết lộ bí quyết làm đường 'ngon lành' hơn các doanh nghiệp xây dựng khác- Ảnh 3.

Máy rải giải phân cách tự động

Máy rải giải phân cách tự động được sản xuất tại Hoa Kỳ, chuyển giao tại Việt Nam từ chuyên gia của hãng. Đây là loại máy được sản xuất và nhập khẩu năm 2022, là một trong những thiết bị tiên tiến và hiện đại nhất tại Việt Nam, áp dụng cho dự án cao tốc.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, cỗ máy đi giữa đường và “nhả” ra dải phân cách bê tông liền mạch không những đạt chất lượng đồng đều với tính thẩm mỹ cao mà còn giúp tiết kiệm thời gian thi công, nâng cao năng suất.

Cỗ máy được sử dụng là Power Curber 5700. Theo nhà sản xuất giới thiệu, 5700-D là thế hệ mới nhất của máy bê tông ván khuôn bán chạy số 1 trên thế giới.

Tập đoàn Sơn Hải tiết lộ bí quyết làm đường 'ngon lành' hơn các doanh nghiệp xây dựng khác- Ảnh 4.

Thi công Hầm Dốc Sạn bằng  phương pháp của Áo

Công trình Hầm Dốc Sạn bắt đầu khởi công tháng 11/2021. Để đẩy nhanh dự án, chủ đầu tư đã bố trí các nhà thầu kinh nghiệm nhất về thi công hầm xuyên núi. Công trường hầm được bố trí 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, hai mũi thi công gia cố mái cửa hầm. Các đơn vị tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” liên tục, trung bình đào khoảng 10 m hầm mỗi ngày.

Để thi công hầm vượt tiến độ, Tập đoàn Sơn Hải huy động tối đa nhân lực với hơn 500 thiết bị, 1.500 công nhân, chia 3 ca làm cả ngày lẫn đêm.

Đại diện Sơn Hải cho biết: Doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ thi công hầm Dốc Sạn theo phương pháp NATM của Áo hiện đại hàng đầu thế giới. Để hoàn thành được hạng mục này, đơn vị huy động hàng trăm cán bộ, công nhân viên và hàng trăm máy móc thiết bị hiện đại làm việc cả ngày đêm. Vì thế, hầm được thông vào tháng 5/2022, vượt tiến độ 6 tháng so với tiến độ được phê duyệt.

Phương pháp đào hầm của Áo (NATM) những năm gần đây là phương pháp xây dựng ngầm được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Theo đó, NATM tìm cách tối đa hóa khả năng chống đỡ và hỗ trợ vốn có của địa hình, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vật liệu hỗ trợ, nhân sự và giảm thời gian thi công dự án. Đồng thời, NATM cũng thể hiện khả năng chống chịu rất lớn đối với các áp lực địa chất ở khu vực dễ xảy ra động đất. Trên thực tế, đây là phương pháp xây dựng xuất sắc để xây dựng nhiều đường hầm trên thế giới.

Đặc biệt, khi thi công hầm Dốc Sạn, Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất Bộ GTVT cho thay đổi thiết kế trải  toàn bộ bằng  bê tông nhựa nhằm triệt tiêu được tiếng ồn khi phương tiện lưu thông và bảo đảm mỹ quan đẹp hơn. Đây cũng là hầm duy nhất của Việt Nam trải bê tông nhựa toàn bộ. Nhờ đó, khi xe đi qua hầm Dốc Sạn không còn tiếng “ù ù” như khi đi vào các hầm đường bộ khác.

Tập đoàn Sơn Hải tiết lộ bí quyết làm đường 'ngon lành' hơn các doanh nghiệp xây dựng khác- Ảnh 6.

Bỏ tiền túi mở rộng lề đường

Không chỉ ‘chịu chi’ đầu tư các công nghệ hiện đại, Tập đoàn Sơn Hải còn bỏ tiền túi đầu tư thêm vào dự án để người dân tham gia giao thông được thông thoáng hơn, an toàn hơn.

Cụ thể, Tập đoàn Sơn Hải đã tự bỏ kinh phí mở rộng lề đường từ 50cm lên 1m và gia cố lề đường bằng bê tông 1m đó suốt chiều dài gần 100km toàn tuyến Nha Trang – Cam Lâm cả hai bên với kinh phí 56 tỷ đồng.

Tự tin vào con đường mình làm ra, tháng 10/2022, Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc cam kết bảo hành 10 năm đường cao tốc do Tập đoàn Sơn Hải thực hiện.

Sơn Hải cam kết mặt đường không hằn lún, không bong bật, mặt đường bằng phẳng, êm thuận kể cả đoạn tiếp giáp vào cầu (khi lưu thông không gập ghềnh). Trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết bảo hành 10 năm và Nhà nước không chi bất cứ một khoản tiền gì trong quá trình duy tu sửa chữa trong thời gian 10 năm Sơn Hải bảo hành.

Sơn Hải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho công khai cắm biển bảo hành 10 năm trên tuyến để tiện cho người dân tham gia giao thông cùng giám sát việc bảo hành.