Khi muối dưa cải, nếu muốn dưa nhanh chua, bạn có thể áp dụng những mẹo nhỏ dưới đây.
Chọn rau để muối dưa cải
Để muối dưa cải giòn ngon, bạn nên chọn những cây cải bẹ già. Rau cải non muối dễ bi mềm và cũng không để được lâu. Rau cải bẹ già khi muối sẽ giòn ngon hơn, để lâu không bị ủng, bị khú. Nên tránh mua những cây rau cải bị dập nát.
Sơ chế rau cải
Rau mua về rửa cho sạch bùn đất rồi đem phơi ngoài nắng cho héo bớt một chút. Bước này giúp làm giảm lượng nước trong dưa. Làm như vậy, dưa muối sẽ giòn hơn và ít bị khú hơn.
Nếu trời không có nắng, bạn chỉ cần đem rau cải đi phơi ở nơi có gió là được. Thấy rau cải se lại là có thể thu vào.
Nếu không có thời gian phơi rau, bạn có thể rửa sạch rau rồi đem chần trong nước đun sôi khoảng 10 giây và vớt ra để nguội. Cách này vẫn giúp dưa giòn ngon nhưng sẽ kém vàng hơn cách muối dưa sống. Đặc biệt, với cách chần rau cải, chỉ sau 2 ngày là cải sẽ chua, có thể ăn được.
Tùy theo sở thích, bạn có thể cắt dưa thành miếng vừa ăn rồi mới muối hoặc để nguyên cả tàu lá, cả cây để muối. Việc muối dưa nguyên tàu lá, nguyên cây sẽ làm dưa lâu chua hơn nhưng để được lâu hơn.
Nguyên liệu muối dưa cải
Ngoài dưa cải, bạn cần chuẩn bị thêm muối trắng, hành lá, hành khô, ớt, tỏi… Tùy theo khẩu vị và thói quen, bạn có thể chọn các loại gia vị phù hợp để muối dưa.
Pha nước muối dưa
Thông thường, nước muối dưa chỉ có nước đun sôi để nguội vào muối. Bạn cũng có thể cho muối vào nước rồi đặt lên bếp đun sôi, khi muối tan hết thì tắt bếp, để nguội hoàn toàn rồi mới dùng để muối dưa.
Mẹo muối dưa cải nhanh chua
– Chần dưa cải qua nước sôi
Như đã nói ở trên, để dưa nhanh chua, bạn có thể chần dưa qua nước sôi trước khi muối.
– Thêm giấm, đường vào nước muối dưa
Để dưa cải nhanh chua, ngoài muối, bạn hãy cho thêm một ít giấm và đường vào nước muối dưa. Nêm sao cho vừa khẩu vị là được. Giấm, đường còn giúp dưa có vị chua thanh, dễ ăn.
– Sử dụng nước vo gạo
Một trong những bí quyết để dưa muối nhanh chua là sử dụng nước vo gạo. Bạn nên dùng nước đun sôi để nguội để vo gạo rồi chắt lấy phần nước (không dùng nước lã để vo gạo).
– Sử dụng nước dưa muối cũ
Bạn cũng có thể lấy một phần nước dưa muối từ lần muối dưa trước để hòa với nước muối dưa mới chuẩn bị. Phần nước dưa cũ sẽ giúp dưa nhanh lên men, nhanh chua hơn. Lưu ý, phải chắc chắn nước dưa muối cũ không bị nổi váng, dưa không bị khú, bị úng thì mới sử dụng.
Mẹo muối dưa không bị khú
– Rửa sạch dụng cụ muối dưa
Dụng cụ muối dưa cần được rửa sạch, tiệt trùng bằng nước sôi sau đó để ráo nước rồi mới dùng. Đây là bước quan trọng giúp đảm bảo dưa không bị khú hay nổi váng. Nên muối dưa trong vại sành, sứ, lọ thủy tinh. Nếu dùng hộp nhựa nên dùng loại hộp chuyên dụng để muối dưa. Tuyệt đối không dụng các loại nhựa kém chất lượng, thùng hơn để muối dưa vì axit sinh ra trong quá trình lên men dưa có thể hòa tan các chất độc có hại trong nhựa, gây hại cho sức khỏe.
– Sử dụng đủ muối
Muối có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Việc dùng quá ít muối cũng có thể khiến dưa nhanh hỏng. Bạn có thể dùng tỷ lệ 2,5-3 thìa muối trắng hòa với 1 lít nước. Muối càng mặn, dưa càng để được lâu. Tuy nhiên, không nên muối dưa quá mặn vì lượng muối cao sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Để dưa chìm hẳn trong nước muối
Khi muối dưa, bạn cần để dưa chìm hẳn trong nước muối, không để dưa tiếp xúc với không khí. Có thể dùng vỉ tre, vỉ nhựa hoặc túi nilon sạch đựng nước để chèn lên trên giúp giữ cho dưa ngập dưới nước. Ngày xưa, các cụ hay dùng một chiếc đĩa sạch đặt lên trên hũ dưa, sau đó lấy một vật nặng như hòn đá đặt lên trên. Cách này thường được gọi là nén dưa (khi muối cà cũng dùng cách nén tương tự).
– Sử dụng đũa sạch để lấy dưa
Mỗi lần ăn, bạn sẽ dùng đũa sạch để gắp một lượng dưa vừa đủ ra rồi lại nén dưa và đậy nắp hũ dưa. Phần dưa đã lấy ra nhưng ăn không hết không được đổ vào trong hũ dưa.
Nếu thấy dưa nổi mốc đen hoặc bị khú thì không nên sử dụng.