Khi nào cây lưỡi hổ ra hoa?
Cây lưỡi hổ là loại cây cảnh phổ biến, được nhiều người yêu thích. Loại cây này dễ sống, có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Ngoài ra, theo quan niệm phong thủy, cây lưỡi hổ còn có tác dụng xua đuổi điều không may, mang đến tài lộc cho gia đình.
Người ta cho rằng cây lưỡi hổ ra hoa là điềm lành. Tuy nhiên, nhiều người trông mãi cũng không thấy cây ra hoa và không biết làm thế nào để cây có thể ra hoa.
Thông thường cây lưỡi hổ phải trồng trên 5 năm mới có thể ra hoa. Ngoài ra, người trồng còn phải chăm sóc cây đúng cách. Khi đã ra hoa, cây có thể cho hoa thường xuyên trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau.
Hoa của cây lưỡi hổ có màu trắng hoặc trắng xanh, trắng vàng. Các bông hoa nhỏ, có 6 cánh dài mọc thành từng cụm. Hoa của cây lưỡi hổ có mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu, thường nở về tầm chiều (khoảng sau 4 giờ). Hoa lưỡi hổ khá nhanh tàn. Hoa chỉ được khoảng 5-7 ngày.
Cách thúc cây lưỡi hổ sớm ra hoa
Bón phân kali
Cây lưỡi hổ trên 5 năm tuổi sẽ bước vào giai đoạn trưởng thành. Đây là lúc cây cần có nhiều dưỡng chất. Người trồng nên bổ sung phân lân và kali. Đủ các dưỡng chất này thì cây mới có khả năng ra hoa.
Bạn có thể dùng phân Huaduoduo 2 hoặc kali dihydrogen phosphate để bón cho cây, giúp thúc đẩy sư phân hóa của nụ hoa.
Nên pha loãng phân với nước theo tỷ lệ 1:1000. Tưới cho cây 1 lần/tuần, tưới khoảng 4 lần. Khi tưới, phun nước phân vào gốc và lá. Như vậy, cây sẽ lớn nhanh và sớm ra hoa.
Phân trùn quế
Ngoài phân lân và kali, bạn có thể bón phân trùn quế cho cây. Đây là loại phân hữu cơ chứa nhiều phốt pho, kali và các loại khoáng chất khác. Những chất này đều rất cần thiết cho sự sinh trưởng của cây lưỡi hổ. Phân trùn quế không cần ủ lên men nên khá tiện lợi trong việc sử dụng.
Bạn có thể trộn phân trùn quế vào đất hoặc hòa loãng phân với nước rồi tưới cho cây. Chỉ cần sử dụng phân trùn quế khoảng 1 tháng, bạn sẽ thấy cây lưỡi hổ có sự thay đổi lớn.
Ngoài việc bón phân, để cây lưỡi hổ ra hoa, bạn cần phải chú ý đến điều kiện ánh sáng. Nên cho cây “tắm nắng” thường xuyên. Trong điều kiện ánh sáng phù hợp, cây sẽ đâm chồi và sớm ra hoa.
Ngoài ra, cây lưỡi hổ không cần tưới nhiều nước. Nên chờ cho đất trong chậu khô đi rồi mới bổ sung thêm nước để tránh tình trạng nước thoát không kịp làm rễ cây bị thối.