Khoai tây là loại củ phổ biến, được nhiều người ưa chuộng bởi có thể chế biến thành đa dạng các món ăn ngon và bổ dưỡng như canh, hầm, súp, chiên, hoặc làm bánh. Mỗi món đều mang lại hương vị đặc trưng hấp dẫn. Thường thì nhiều người có thói quen mua khoai tây dự trữ để tiện chế biến, nhưng nếu không bảo quản đúng cách, khoai tây dễ chuyển sang màu xanh và mọc mầm, làm cho chúng không còn an toàn để ăn, buộc phải vứt bỏ, gây lãng phí thực phẩm.
Vì vậy, nếu bạn muốn lưu trữ khoai tây mà không lo mọc mầm, hãy tham khảo những cách bảo quản dưới đây:
1. Dùng baking soda
Chuẩn bị một chiếc hộp giấy sạch, rắc một lớp mỏng baking soda dưới đáy hộp để giữ khoai tây không chuyển màu xanh và ngăn chặn sự nảy mầm. Sau đó, xếp khoai vào hộp và phủ thêm một lớp giấy hoặc báo lên trên để hút ẩm từ không khí. Đậy kín hộp và bảo quản ở nơi mát mẻ, thoáng gió.
2. Dùng màng bọc thực phẩm
Nếu bạn chỉ cần bảo quản một lượng nhỏ khoai tây, màng bọc thực phẩm sẽ là giải pháp phù hợp. Chỉ cần bọc từng củ khoai tây bằng màng bọc để loại bỏ không khí dư thừa, rồi cho vào túi đen hoặc túi chống ánh sáng. Điều này giúp khoai tây không tiếp xúc với ánh sáng, tránh hiện tượng quang hợp và nảy mầm. Sau đó, hãy ép hết không khí khỏi túi, buộc kín và để ở nơi thoáng mát.
3. Dùng táo để bảo quản
Trước khi bảo quản, bạn cần kiểm tra kỹ để loại bỏ các củ có dấu hiệu hỏng. Lưu ý không rửa khoai tây trước khi cất giữ, vì lớp đất bám bên ngoài có tác dụng như một lớp bảo vệ tự nhiên. Nếu rửa sạch lớp đất này, khoai tây sẽ nhanh chóng bị thối hoặc nảy mầm.
Để thực hiện, bạn chỉ cần đặt khoai tây vào một chiếc hộp sạch và sắp xếp gọn gàng. Thêm vào đó một vài quả táo. Táo sẽ tạo ra khí ethylene, giúp ngăn cản sự nảy mầm của khoai tây. Đặt hộp này ở nơi thoáng mát và đóng kín nắp. Phương pháp này đơn giản mà hiệu quả cao. Nếu để lâu, nên kiểm tra định kỳ và thay táo khi thấy có dấu hiệu hỏng.
Với những cách trên, bạn có thể giữ khoai tây tươi lâu mà không lo chúng mọc mầm, giúp tiết kiệm và tránh lãng phí thực phẩm.