Lúc chưa thi ĐH, Hoàng Nguyệt (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã được cậu họ nhiệt tình mời ở cùng nếu đỗ ĐH. Nhà cậu Nguyệt ở trung tâm thủ đô, khá rộng nên cháu nào ở quê ra Hà Nội học cũng được cậu tạo điều kiện cho ở nhờ. Vợ chồng cậu đều thoải mái nên mọi người trong gia đình Nguyệt đều coi việc con gái đến ở nhà cậu là điều đương nhiên.
Chính vì nghĩ cậu mợ thoải mái, vô tư nên bố mẹ Nguyệt không dặn dò con nhiều. Dù ở nông thôn nhưng từ bé Nguyệt được bố mẹ cưng chiều, không phải làm việc nhà nhiều, chỉ tập trung học. Nguyệt giữ thói quen này khi đến ở nhờ nhà cậu.
Nguyệt không bao giờ tự giác làm bất cứ việc gì trong nhà. Quần áo giặt xong, nếu không dặn Nguyệt phơi, cô cũng để nguyên trong máy giặt. Được phân công nhiệm vụ cắm nồi cơm, rửa bát nên cô không động tay động chân vào việc gì khác. Nhà cửa bẩn, cô không lau, bếp bẩn không dọn…
Cậu mợ có hai con nhỏ đang học tiểu học, nhưng Nguyệt cũng thường tìm cách “né” để không phải chơi với em, kèm em học…
Sống ở nhà người khác, con cần biết quan tâm, chăm sóc mọi người. Ảnh minh họa internet.
Ở quê được bố mẹ chiều chuộng nên dù mới ra Hà Nội học, Nguyệt cũng đua đòi ăn diện với các bạn, trong khi hoàn cảnh gia đình cô khá khó khăn.
Mợ có nhiều quần áo, mỹ phẩm, nên Nguyệt thường cầm trên tay ngắm nghía, hỏi mợ cái này dùng làm gì? Rồi Nguyệt nghĩ, mợ có nhiều đồ nên thiếu một vài cái sẽ không phát hiện ra nên thỉnh thoảng Nguyệt lại “chôm” một món đồ nào đó, lúc thì cái khăn, khi thì cái áo, cái quần…
Mợ Nguyệt không bao giờ nghĩ “kẻ trộm” ở ngay trong nhà, mà khi tìm đồ không thấy chỉ nghĩ đã để quên đâu đó.
Điều khiến mợ Nguyệt khó chịu nhất là cứ chờ cậu mợ đi làm là Nguyệt đưa người yêu về nhà. Hàng xóm nói với cậu mợ cô. Dù cậu mợ đã nhắc nhở nhưng Nguyệt không thay đổi. Tính tự nhiên thái quá khi đang ở nhờ nhà người khác đã biến Nguyệt thành “cái gai” trong mắt mợ.
Việc ở nhờ nhà người khác thật không đơn giản. Đôi khi, chính sự thiếu kỹ năng của con, cháu khiến cho mối quan hệ họ hàng đang tốt đẹp trở nên rạn nứt.