1. Phải trả lại đất khi Nhà nước thu hồi?
* Không trả lại đất sẽ bị cưỡng chế thu hồi
Nhà nước có quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (các trường hợp thu hồi được nêu rõ tại Điều 78 Luật Đất đai 2024) và thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79 Luật Đất đai 2024).
Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất nếu người sử dụng đất không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Nội dung này được quy định rõ tại điểm b khoản 7 Điều 87 Luật Đất đai 2024, cụ thể như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
b) Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không chấp hành việc bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 89 của Luật này.
Có thể thấy, khi thực hiện thu hồi thì người dân sẽ chỉ được chọn và thỏa thuận phương án bồi thường chứ sẽ không được chọn mức bồi thường được nhận là bao nhiêu.
Theo khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai 2024 quy định, người dân bị thu hồi đất có thể lựa chọn hình thức bồi thường là bằng tiền, bằng đất ở hoặc nhà ở. Trong trường hợp bồi thường bằng tiền thì giá đất cụ thể để bồi thường bao nhiêu là do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định.
* Người sử dụng đất không có quyền thỏa thuận giá bồi thường
Như đã trình bày ở trên, khi Nhà nước thu hồi đất thì người sử dụng đất có nghĩa vụ chấp hành và không có quyền thỏa thuận giá bồi thường mà chỉ được chọn phương án bồi thường.
Giá bồi thường về đất cũng được Nhà nước quyết định theo giá đất cụ thể (giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai và áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp).
Như vậy, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành thì người dân khi được Nhà nước thu hồi đất không có quyền thỏa thuận mức giá bồi thường mà sẽ được nêu ý kiến đối với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Bởi lẽ người dân không phải là chủ sở hữu đất đai mà chỉ là “người sử dụng đất” theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tóm lại, dù người sử dụng đất nhận thấy giá đền bù không thỏa đáng thì vẫn phải bàn giao lại đất cho Nhà nước, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất; trường hợp có căn cứ cho rằng cơ quan nhà nước làm sai thì người sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính.
2. Điều kiện, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất
2.1 Điều kiện thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất
Khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai 2024 quy định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
(1) Quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành và người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động, thuyết phục.
(2) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
(3) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.
(4) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.
2.2 Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế
Khoản 3 Điều 89 Luật Đất đai 2024 quy định người có thẩm quyền ban hành và thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).
2.3 Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế
Căn cứ khoản 4 Điều 89 Luật Đất đai 2024, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chủ tịch của Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Bước 2: Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất tiến hành việc vận động, thuyết phục và đối thoại với người bị cưỡng chế.
– Nếu người dân chấp hành việc bàn giao đất thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
– Nếu người dân vẫn không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất.
Bước 3: Tổ chức thực hiện cưỡng chế
Theo đó, Ban cưỡng chế thu hồi đất có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan ra khỏi khu đất bị cưỡng chế và tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất này;
Nếu người dân không thực hiện theo yêu cầu thì Ban cưỡng chế được di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
Nếu người dân từ chối nhận tài sản thì Ban cưỡng chế lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản đó theo quy định.
Ban cưỡng chế thu hồi đất có trách nhiệm mời đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam của cấp huyện tham gia giám sát đối với việc cưỡng chế thu hồi đất.
Như vậy, Bài viết này đã cung cấp thông tin cho câu hỏi: Người dân có quyền từ chối giao lại đất khi đền bù không thỏa đáng hay không? Theo đó, Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất phải bàn giao lại đất, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thu hồi.
Lưu ý trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án mà tiến hành nhận chuyển nhượng đất của người dân thì lúc này người dân có quyền thỏa thuận giá chuyển nhượng, giá thuê đất.