Đất cha ông để lại không di chúc làm sổ đỏ thế nào?

Đất cha ông để lại chỉ có giấy tờ viết tay, giờ các cụ đã qua đời, để làm được sổ đỏ sẽ phải thực hiện các điều kiện gì?

Theo anh Trần Tuấn Trung (trú tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), anh được thừa hưởng 80m2 đất do ông bà nội cho cha mẹ anh bằng giấy viết tay. Tuy nhiên, hiện cả bố mẹ và ông bà của anh đã mất, anh muốn làm sổ đỏ nhưng chưa biết cần phải thực hiện các điều kiện như thế nào.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, căn cứ quy định của Luật Đất đai, trường hợp bố mẹ mất có để lại di chúc cho bạn được quyền sử dụng thửa đất 80m2 đó thì bạn hoàn toàn có thể làm được sổ đỏ nếu có các giấy tờ chứng minh quá trình sử dụng đất ổn định như: Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất.

Đất thừa kế làm sổ đỏ như thế nào. Ảnh: Minh Hạnh
Có thể làm được sổ đỏ nếu có các giấy tờ chứng minh quá trình sử dụng đất ổn định như: Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất. Ảnh: Minh Hạnh

Thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh; giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký. Trường hợp không khai thác được thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì bổ sung giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Khi đó người xin cấp sổ đỏ cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận; chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có); các giấy tờ trên cùng với giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất nộp tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để được xem xét, cấp sổ đỏ lần đầu.

Ngoài ra, theo quy định của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định trên nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1.7.2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thời gian giải quyết theo quy định là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, người có yêu cầu phải nộp một số khoản tiền gồm lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), phí thẩm định hồ sơ.

Nguồn: https://laodong.vn/ban-doc/dat-cha-ong-de-lai-khong-di-chuc-lam-so-do-the-nao-1376325.ldo