Để học sinh hiểu biết quy tắc giao thông và có kỹ năng lái xe, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất nhóm trẻ từ 16-18 tuổi được kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe.
Cơ quan chức năng có thể ban hành tài liệu hướng dẫn cơ bản để nhà trường kết hợp với cơ quan cảnh sát giao thông, cơ sở đào tạo tổ chức thi. Liệu đề xuất có cần thiết và phù hơp thực tế?
Ngày nay số học sinh, thanh thiếu niên được gia đình trang bị cho phương tiện xe đạp điện, xe máy dưới 50cm3 để tự đi học ngày càng nhiều. Đáng chú ý là thời gian gần đây hiện tượng trẻ từ 16 tuổi – 18 tuổi điều khiển xe hai bánh gặp tai nạn giao thông đang có diễn biến phức tạp.
Sau khi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất cho phép nhóm trẻ từ 16-18 tuổi được tham gia kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe, đã nhận được sự đồng tình từ người dân và các chuyên gia.
“Thấy biết chạy xe là leo lên chạy thôi, chứ không có kỹ năng gì cả. Chạy rất là ẩu, muốn chạy là chạy, muốn quẹo là quẹo, thiếu kiến thức lái xe nên rất dễ dẫn đến tai nạn cho mình và người khác.
“Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do trẻ thiếu kiến thức về luật giao thông, còn do vấn đề giáo dục và cung cấp kiến thức kỹ năng lái xe an toàn cho nhóm tuổi này chưa thật sự hiệu quả, làm cho tình trạng này thêm phức tạp”.
“Khi chúng ta áp dụng chứng chỉ đó, đưa được những kiến thức lái xe an toàn cho thanh thiếu niên thì sẽ phần nào kéo giảm được tai nạn giao thông với nhóm này”.
Chỉ trong 15 ngày đầu thực hiện Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Cục Cảnh sát giao thông về đảm bảo an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện, xử lý 2.940 trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Các lỗi vi phạm chủ yếu chưa đủ tuổi lái xe máy, không có giấy phép lái xe điều khiển xe máy đến trường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang trên đường. Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc – Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết:
“Qua cao điểm triển khai kế hoạch kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh nhận thấy các em vẫn còn vi phạm phổ biến. Ban An toàn giao thông TP tiếp tục phối hợp với các Sở ngành tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trường học. Đồng thời tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền, yêu cầu phụ huynh thực nghiêm cam kết ngay từ đầu năm là không giao xe cho các em không đủ tuổi”.
Bên cạnh việc phát hiện, xử phạt vi phạm giao thông, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc cũng nhìn nhận sự cần thiết khi thực hiện các lớp đào tạo lý thuyết cấp chứng chỉ lái xe máy cho nhóm tuổi thanh thiếu niên, để nâng cao ý thức và kỹ năng lái xe, đặc biệt là các phương tiện tốc độ cao như xe đạp điện hay xe máy.
“Trong năm 2024, Ủy ban ATGT quốc gia có phối hợp với 3 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có TP.HCM để thực hiện thí điểm đào tạo lái xe an toàn, các quy định pháp luật cho các em. Qua thời gian thí điểm đào tạo, TPHCM hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Đối với các em việc trang bị kỹ năng tham gia giao thông an toàn và các kiến thức pháp luật cơ bản khi tham gia giao thông cho các em là hết sức cần thiết”.
Đồng tình với đề xuất, tuy nhiên Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM lưu ý, cần tính toán kỹ càng để việc sát hạch và cấp chứng chỉ cho trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi được hiệu quả, tránh tránh gây tốn kém nhân lực và thủ tục phiền hà cho người dân, học sinh.
“Ngoài ưu điểm của đề xuất còn nhiều vấn đề cần được đặt ra. Cụ thể, chứng chỉ giấy phép lái xe dưới 50cm3 có giá trị pháp lý ra sao? Được cấp trên cơ sở, tiêu chí nào so với giấy phép lái xe thông thường? Cơ quan nào làm đầu mối cấp phép và quản lý dữ liệu thông tin cho các trẻ được cấp chứng chỉ? Có làm tăng gánh nặng bộ máy hành chính và thủ tục hành chính của người dân hay không? Tất cả vấn đề này cần được chú trọng và tiếp tục làm rõ để bảo đảm tính khả thi”.
Bên cạnh đó, luật sư Hậu còn cho rằng, phía gia đình cần chủ động giám sát và trang bị cho con em mình kiến thức quy tắc về giao thông, để giảm thiểu tai nạn giao thông không đáng có. Nhà trường cần lồng ghép vào giờ học chính khóa của các chương trình giáo dục và an toàn giao thông; cũng như các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi về tìm hiệu luật giao thông, là một cách làm hiệu quả để củng cố kiến thức và kỹ năng của học sinh.
Song song với việc đổi mới cách giáo dục từ nhà trường, gia đình và cộng đồng, theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, nhà nước cũng cần có những biện pháp mang tính răn đe hơn, để tăng hiệu quả thực thi pháp luật và đảm bảo an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.
“Tôi cho rằng giáo dục chấp hành an toàn giao thông không chỉ giáo dục về phòng ngừa, chúng ta cần phải giáo dục có tính chất răn đe nữa, làm sao để các bậc cha mẹ hiểu biết một cách cụ thể về những hậu quả mà hành vi vi phạm an toàn giao thông của mình gây ra đối với chính gia đình mình, đối với chính bản thân mình và đối với những người tham gia giao thông khác. Khi đó việc thực thi các quy định pháp luật về an toàn giao thông của những người trẻ tuổi, của trẻ em, của học sinh sẽ tốt hơn”.
Trước tình trạng gia tăng vi phạm và tai nạn giao thông ở nhóm trẻ dưới 18 tuổi, việc siết chặt quản lý và nâng cao kỹ năng, kiến thức lái xe an toàn là rất cần thiết. Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, VOV Giao thông có bài luận với nhan đề: “Thanh thiếu niên vi phạm giao thông: Cần giải pháp từ gốc”.
Trở về hồi 20 năm trước, năm tôi 16 tuổi được sở hữu một chiếc xe đạp cũ để đi học đã đủ thỏa ước mơ. Từ đó, nó theo tôi suốt thời sinh viên. Thế nhưng bây giờ, việc sở hữu một chiếc xe máy, xe đạp điện đời mới không còn là quá xa xỉ với một gia đình. Kinh tế phát triển, đời sống cũng được nâng cao, trẻ em cũng được sống đầy đủ hơn.
Song, nếu chỉ chăm lo kinh tế mà vô tư giao xe cho con mình, bỏ mặc quản lý, giáo dục, sẽ khiến nhiều gia đình phải hối hận. Các vi phạm giao thông và tai nạn giao thông nghiêm trọng trong độ tuổi học sinh nổi lên gần đây là hồi chuông cảnh báo. Cho thấy lỗ hổng lớn về mặt pháp lý trong công tác quản lý và giáo dục kỹ năng an toàn giao thông ở nhóm tuổi này.
Việc ra đời Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025, siết chặt tăng nặng hàng loạt các mức phạt liên quan đến vi phạm ở thanh thiếu niên, phụ huynh; đồng thời yêu cầu nhóm tuổi này cần phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện, là động thái rất kịp thời để lấp “khoảng trống” pháp lý còn bỏ ngỏ thời gian qua.
Cùng với đề xuất trẻ 16-18 tuổi được cấp chứng chỉ lái xe máy của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây là một bước quan trọng để cụ thể hóa luật định. Trong bối cảnh phương tiện giao thông công cộng và xe đưa đón học sinh chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập thì nhóm trẻ này cần được nhà trường hoặc gia đình trang bị các kỹ năng không quá phức tạp như tốc độ, quan sát khi chuyển hướng, tránh điểm mù của xe khách, xe tải; các kiến thức pháp luật cơ bản về đội mũ bảo hiểm, chấp hành tín hiệu giao thông, đi đúng phần đường.
Để việc đào tạo, cấp chứng chỉ phát huy hiệu quả cần có các tiêu chí và quy trình cụ thể; không nên xem nhẹ, nếu không sẽ gây tác dụng ngược khiến trẻ càng “tự tin thái quá” khi chạy xe trên đường, từ đó dẫn tới tai nạn giao thông.
Bởi thực tế, ngay cả việc đào tạo sát hạch lái xe có giá trị pháp lý thông thường ở người trưởng thành còn tồn tại kiểu “đối phó” bài thi để cho qua bằng, huống hồ là chứng chỉ lái xe cho học sinh. Do đó, để tăng khả năng “phủ sóng” việc tập huấn, đào tạo kỹ năng lái xe, cơ sở đào tạo phối hợp nhà trường lồng ghép vào buổi học chính khóa, để tạo thuận lợi cho học sinh.
Các buổi học có sự giám sát của cơ quan cảnh sát giao thông, cũng như cung cấp tài liệu về cho gia đình cùng tham khảo và theo dõi. Các bộ câu hỏi đơn giản, không gây khó dễ, đánh đố học sinh. Sau đó, các em được kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe.
Ngoài trang bị đầy đủ kỹ năng kiến thức pháp luật để các em học sinh tự bảo vệ mình thì cần gắn chặt hơn nữa trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong quản lý học sinh đi xe máy đi học; hạn chế những trường hợp sử dụng xe không phù hợp với lứa tuổi. Tốt nhất là thay đổi nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn ngay từ lứa tuổi mầm non.
Khi trẻ nhỏ tiếp xúc với các bài học tham gia giao thông đúng cách, sẽ tạo thói quen đúng đắn và nề nếp văn hóa giao thông khi lớn lên. Đó chính là “nền móng” hình thành một môi trường giao thông an toàn trong tương lai.