Bị chê là ‘chạn vương’, chồng tôi đùng đùng đòi ra ngoài tự lập bất kể việc gia đình tôi đối xử rất tốt với anh. Lý do anh đưa ra là chưa từng có cảm giác đạt thành tựu.
Anh yêu và cưới được tôi cũng không dễ dàng gì. Chẳng phải tự vỗ ngực khen nhưng ngày chưa lấy chồng, trông tôi cũng dễ nhìn, cao ráo, trắng trẻo.
Điều kiện kinh tế của gia đình tôi lại rất khá. Bố mẹ tôi buôn bán mấy chục năm nay, có tiếng khắp thành phố này.
Để cưới được tôi, anh cũng trải qua bao nhiêu cửa ải. Tôi yêu anh vì sự chân thành, bỏ qua hết các “vệ tinh” khác hơn anh cả về gia cảnh lẫn ngoại hình.
Ngày ấy, bố mẹ tôi phản đối ra mặt vì chúng tôi không môn đăng hộ đối. Anh cũng học đại học ra như tôi nhưng năng lực không có gì nổi trội, cũng chẳng phải người quá nhanh nhẹn, hoạt ngôn.
Nhà tôi chỉ có 2 cô con gái nên bố tôi vẫn mong kiếm được một anh con rể giỏi giang để ông giao cơ nghiệp khi về già.
Ngày tôi đưa anh về nhà, ông ngồi nói chuyện với anh cả buổi sáng. Với con mắt trải đời, ông nhận xét: “Thằng Q. hiền lành, có thể là một người chồng tốt nhưng để thay bố thì… chưa”.
Tôi cãi ngay: “Con chỉ cần anh ấy làm chồng tốt là được rồi. Bố cứ đi kiếm người giống bố thì khó lắm. Với cả, bố cũng phải cho anh ấy thời gian để học hỏi, trưởng thành chứ làm sao tự dưng đã giỏi ngay được”.
Tôi kiên quyết bảo vệ anh. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Nói không được, bố mẹ tôi đành phải đồng ý cho làm đám cưới.
Đến nay, chúng tôi đã sống chung được 3 năm, có một bé trai 2 tuổi. Vừa cưới xong, hai vợ chồng đã ra ở riêng trong căn nhà bố mẹ tôi mua cho, cách nhà ông bà chỉ 2-3km.
Chiếc xe tiền tỷ chúng tôi đang đi cũng là quà cưới của ông bà. Sau khi cưới, chồng tôi bắt đầu tham gia vào công việc làm ăn của gia đình. Nói là tham gia, thực ra anh chỉ cần làm theo chỉ đạo của bố tôi, cứ thế quan sát dần.
Anh được bố tôi trả mỗi tháng 60 – 70 triệu đồng, mức lương mơ ước với hầu hết người trẻ. Ông cũng bảo sẽ trả theo năng lực để tạo động lực cho anh. Khi nào anh đủ bản lĩnh, ông sẽ trao quyền cho anh dần.
Từ ngày ra trường, tôi vẫn làm ở một chỗ ổn định, công việc nhàn để có thời gian rảnh chăm sóc gia đình.
Mọi chuyện ổn thỏa như vậy, ai nhìn vào cũng xuýt xoa khen chúng tôi là gia đình kiểu mẫu. Cũng không ít lần mọi người nói trước mặt anh, rằng “chuột sa chĩnh gạo”, “được nhờ nhà vợ”…
Tôi luôn nói lảng sang chuyện khác hoặc nói đỡ cho anh, thừa nhận sự nỗ lực của anh trong công việc. Về nhà, cũng chưa khi nào tôi tỏ ý coi thường hay nói năng vô ý chạm đến tự ái của anh.
Thế mà, cách đây mấy hôm, bỗng nhiên anh bảo “có khi anh ra ngoài làm”. Tôi sững người, hỏi tại sao thì anh nói có người bạn đang rủ anh góp vốn làm ăn chung. Anh trình bày kế hoạch trên giấy nghe có vẻ dễ ăn. Nhưng tôi thấy còn rất nhiều thứ mà anh chưa tính đến.
Tranh cãi một hồi, anh mới bảo anh thấy mất tự do và thiếu tự tin khi làm việc cho bố mẹ vợ. Rằng mọi người lúc nào cũng coi anh là “chạn vương”, không cần nỗ lực cũng đến đích.
Anh bảo, suốt mấy năm qua, anh đủ đầy về vật chất nhưng chưa từng có được cảm giác thành tựu do chính mình làm ra. “Phải ra ngoài mới biết được mình giỏi cỡ nào chứ” – anh nói.
Anh nói không sai nhưng bây giờ bỏ hết để ra ngoài bon chen, tôi thấy không hợp lý tí nào. Bao nhiêu người mơ ước được như anh, trong khi anh có trong tay tất cả lại muốn bỏ đi. Rồi sau, nếu thất bại muốn quay về thì bố tôi sẽ nghĩ anh ra sao.
Về phần anh lúc đó chắc chắn cũng sẽ ngại ngùng, xấu hổ với nhà vợ. Mối quan hệ giữa 2 bên lại càng căng thẳng.
Tôi khuyên hết nước mà anh không nghe. Nếu làm theo ý anh, trước mắt mỗi tháng không có 60-70 triệu đồng. Chúng tôi sẽ phải lấy tiền tiết kiệm ra chi tiêu, chứ còn mặt mũi nào nhờ bố mẹ tôi hỗ trợ.
Mấy hôm nay, tôi chưa biết mở lời thế nào với bố mẹ. Thực sự tôi không hiểu nổi chồng mình nghĩ gì. Bạn bè tôi bảo anh đang sướng quá mà không biết hưởng. Hay tôi cứ để anh làm theo ý mình, thất bại ráng chịu.
Có lẽ chỉ như vậy, anh mới biết mình đang có những thứ đáng trân trọng đến thế nào.
Độc giả giấu tên