Cách làm lại sổ đỏ khi bị m:ất không tốn 1 xu: Xem ngay đỡ m:ất mấy triệu

Khi bị mất sổ đỏ, chủ sở hữu căn nhà cần khai báo với UBND cấp xã, sau 30 ngày kể từ khi ủy ban niêm yết thông báo mất sổ đỏ thì nộp hồ sơ đề nghị cấp lại sổ.

Tôi rao bán nhà trên mạng xã hội và kèm theo chụp hình sổ đỏ. Sau đó có người đến nhà hỏi thăm để mua, trong lúc tôi thiếu chú ý nên đã họ bị tráo lấy sổ đỏ thật của tôi, rồi đưa lại cho tôi sổ giả.

Ngay sau đó, họ đến một văn phòng công chứng, giả mạo chữ ký của tôi với nội dung tôi ủy quyền cho 1 người khác để người đó thay mặt tôi bán nhà. Từ đó, họ đã bán nhà của tôi cho nhiều người khác nữa. Những người mua nhà không hề đến xem nhà mà chỉ xem trên sổ đỏ.

Hiện căn nhà tôi vẫn đang ở, tôi đã tố cáo ra công an. Vậy tôi muốn hỏi, công chứng viên công chứng hợp đồng ủy quyền giả và giao dịch mua bán nhà của tôi có phải chịu trách nhiệm gì trong trường hợp này? Tôi cần phải làm những thủ tục hồ sơ gì và ở đâu để yêu cầu cấp lại sổ đỏ? Pháp luật quy định sao về trường hợp của tôi?

Luật sư tư vấn

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty luật HPL và cộng sự) tư vấn, theo khoản 1 điều 2 luật Công chứng quy định công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản… mà theo quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Cách làm lại sổ đỏ khi bị đánh mất- Ảnh 1.

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền

Ngoài ra, theo điều 4 và điều 46 luật Công chứng, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng, bảo đảm tính hợp pháp của văn bản công chứng.

Nếu công chứng viên biết chữ ký, hồ sơ của người yêu cầu công chứng là giả mạo mà vẫn công chứng, chứng thực thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả hành vi có thể bị xử phạt từ 10 – 15 triệu đồng (điểm g khoản 4 điều 15 Nghị định 82 năm 2020).

Trường hợp nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, công chứng viên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức.

Còn trường hợp công chứng viên không phát hiện ra đây là người giả, hồ sơ giả thì vẫn có thể phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường nếu phát sinh thiệt hại (điều 38 luật Công chứng và điều 584, điều 600 bộ luật Dân sự).

Để làm lại sổ đỏ, theo điều 77 Nghị định 43 năm 2014, bạn cần khai báo với UBND cấp xã nơi có đất về việc bị mất sổ đỏ. UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất sổ đỏ tại trụ sở ủy ban xã. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết, bạn nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ.

Theo đó, hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp lại sổ đỏ theo Mẫu số 10/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24 năm 2014 của Bộ Tài nguyên – Môi trường và giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất sổ đỏ (khoản 2 điều 10 Thông tư 24).

Căn cứ điều 60 Nghị định 43 năm 2014, bạn có thể nộp hồ sơ theo một trong hai cách sau:

Cách 1: Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Trường hợp không nộp tại UBND cấp xã thì:

Nếu địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì bạn nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của UBND cấp huyện.
Nếu địa phương chưa tổ chức bộ phận một cửa thì bạn nộp trực tiếp tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, hoặc tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và làm các thủ tục cần thiết, rồi lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy sổ đỏ đã bị mất, đồng thời ký cấp lại cho bạn.