Lỗ 11 quý liên tiếp vì làm BOT nghìn tỷ, lãnh đạo doanh nghiệp than: ‘Nếu biết trước đã không đầu tư’

CREATOR: gd-jpeg v1.0 (using IJG JPEG v62), quality = 100

Tại cuối quý III/2024, tổng lỗ lũy kế của  BOT Thái Hà đã đạt gần 491 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ khoảng 592 tỷ đồng.

CTCP  BOT Cầu Thái Hà (MCK: BOT) vừa công bố BCTC quý III/2024 với doanh thu thuần gần 13 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Do giá vốn giảm mạnh, lãi gộp đạt gần 9 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chi phí lãi vay vẫn ở mức cao, gần 26 tỷ đồng (giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ), cùng với các khoản chi phí khác, khiến BOT tiếp tục lỗ hơn 18 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 24 tỷ đồng). Đây cũng là quý thua lỗ thứ 11 liên tiếp của doanh nghiệp, bắt đầu từ quý I/2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BOT Cầu Thái Hà đạt hơn 41 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, nhưng công ty vẫn lỗ gần 54 tỷ đồng, giảm so với khoản lỗ gần 72 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Lỗ 11 quý liên tiếp vì làm BOT nghìn tỷ, lãnh đạo doanh nghiệp than: 'Nếu biết trước đã không đầu tư'
Kết quả kinh doanh quý III/2024 của BOT Cầu Thái Hà

 

Việc công ty thua lỗ liên tục trong gần 3 năm qua đã khiến lỗ lũy kế đạt gần 491 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty là hơn 592 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của BOT gặp khó khăn chủ yếu do sự cạnh tranh từ dự án ODA (cầu Hưng Hà – kết nối giao thông tương tự với cầu Thái Hà) không thu phí các phương tiện qua lại. Do đó, hầu hết các xe tải và container đều tránh tuyến đường thu phí qua cầu Thái Hà, làm giảm lưu lượng xe và doanh thu của BOT.

Đại lý ô tô gần đây

Tại cuối quý III/2024, tổng tài sản của BOT đạt hơn 1.545 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Phần lớn tài sản tập trung ở tài sản dài hạn, với gần 1.311 tỷ đồng, chiếm 85% tổng nguồn vốn. Nợ phải trả của công ty là gần 1.444 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó nợ vay tài chính gần 984 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm và chiếm 68% tổng nợ.

Lãnh đạo BOT Cầu Thái Hà: “Nếu biết trước, đã không đầu tư”

Công ty BOT Cầu Thái Hà được thành lập vào năm 2014 với 3 cổ đông là Công ty TNHH Tiến Đại Phát, CTCP Đầu tư Tư vấn & Xây dựng Phú Xuân, CTCP Đầu tư & XNK Bình Minh nhằm mục đích triển khai xây dựng cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng, nối 2 tỉnh Hà Nam và Thái Bình, nằm trên trục đường nối với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình.

Công ty đã đầu tư vào dự án này 1.375,4 tỷ đồng theo nguyên giá và 84,1 tỷ đồng thuế GTGT, tổng là 1.459,5 tỷ đồng. Trạm BOT cầu Thái Hà thu phí chính thức vào tháng 2/2019, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 7 tháng.

Tuy nhiên, từ khi thu phí BOT đến nay, doanh thu từ thu phí thực tế chỉ đạt khoảng 15,7% so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT, gây khó khăn trong việc thu hồi vốn và thanh toán nợ vay ngân hàng.

Lỗ 11 quý liên tiếp vì làm BOT nghìn tỷ, lãnh đạo doanh nghiệp than: 'Nếu biết trước đã không đầu tư'
Cầu Hưng Hà bên cạnh là nguyên nhân khiến doanh nghiệp lao đao

 

Chia sẻ với Báo Lao Động hồi tháng 5/2024, ông Ngô Tiến Cương – Chủ tịch HĐQT  BOT Cầu Thái Hà bày tỏ: Nếu biết trước cơ quan chức năng khởi công cầu Hưng Hà sau 1 năm, đơn vị đã không đầu tư làm cầu  BOT Thái Hà.

Nguyên nhân bởi vị trí 2 cây cầu này rất sát nhau. Để xây cầu BOT, doanh nghiệp phải bỏ 1.500 tỷ đồng “tiền túi” đầu tư. Còn cầu Hưng Hà khởi công sau 1 năm xây sau bằng nguồn vốn ODA (có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ, gấp đôi mức đầu tư cầu Thái Hà). Nhưng cầu Hưng Hà đầu tư bằng nguồn vốn ODA nên chủ phương tiện sẽ không phải trả phí.

“Nếu có ý định xây cầu Hưng Hà, cơ quan chức năng cần thông báo trước cho doanh nghiệp không đầu tư xây cầu BOT Thái Hà nữa để đỡ lãng phí nguồn lực”, ông Cương chia sẻ.

Hiện nay, 90% lưu lượng các xe khi lưu thông từ phía Hà Nam sang Thái Bình, Hải Phòng và ngược lại đều chọn phương án đi qua cầu Hưng Hà để tránh bị thu phí.