Người Hàn Quốc có niềm đam mê mãnh liệt với bất động sản, đặc biệt là việc sở hữu căn hộ. Ca khúc “APT.” của Rosé một lần nữa thổi bùng lên ngọn lửa này.
Theo Korea Times, sự tập trung tài sản hộ gia đình vào bất động sản một phần là do diện tích đất đai tương đối nhỏ của Hàn Quốc và mật độ dân số cao ở các khu vực thành thị.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc, bất động sản chiếm 78,6% tài sản hộ gia đình trung bình ở Hàn, tính đến tháng 3.2023, cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác.
Xã hội Hàn Quốc niềm tin rằng “mỗi người phải sở hữu một ngôi nhà”, điều này đã ăn sâu vào tâm lý tập thể. Căn hộ chiếm 52% tổng số nhà ở tại Hàn Quốc, thường được miêu tả trên phương tiện truyền thông là biểu tượng của địa vị xã hội và sự ổn định cá nhân.
Thành công toàn cầu từ ca khúc “APT.” (viết tắt cho “Apartment”) của Rosé (Blackpink) hợp tác với Bruno Mars, một lần nữa đưa từ khóa “căn hộ” trở thành chủ đề thống trị.
Trong khi đó, phim ảnh, truyện tranh web và phim truyền hình cũng ngày càng làm nổi bật chủ đề này.
Những bộ phim Hàn Quốc gần đây như “Lucky, Apartment”, “4 Minutes 44 Seconds” và bộ phim sắp ra mắt “The Berefts” sử dụng căn hộ làm bối cảnh chính, nơi nhiều nhân vật diễn ra câu chuyện và xung đột của mình.
Trong “The Berefts”, sẽ ra mắt vào ngày 20.11, hai gia đình thành lập một hộ gia đình giả, để cố gắng kiếm một căn hộ thông qua cuộc hôn nhân giả, mong muốn có cuộc sống ổn định.
Trong phim này, Mun Ho (Im Hu Seong) và con gái Go Eun (Lee Soo Jeong), một người khuyết tật trí tuệ, bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của cuộc sống ở nhà nghỉ, liên tục đấu tranh để sinh tồn.
Thông qua người môi giới, Mun Ho sắp xếp cuộc hôn nhân giả giữa con gái mình và Do Kyung (Lee Do Jin), một người đàn ông sống trong một căn hộ bán tầng hầm và làm tài xế.
Mun Ho và Do Kyung lợi dụng thực tế là có thành viên trong gia đình bị khuyết tật, khiến họ được ưu tiên hơn trong các đơn xin thuê căn hộ, hy vọng thoát khỏi cuộc sống bế tắc.
Bộ phim “Lucky, Apartment” phát hành tháng trước, kể về một cặp đôi đồng tính phải đối mặt với mùi hôi khó chịu trong căn hộ vay nợ của họ.
Bộ phim khắc họa những căng thẳng leo thang giữa Sun Woo (Sohn Su Hyun) và Hee Suh (Park Ga Young) khi họ điều tra nguồn gốc của mùi hôi, trong khi xung đột với hàng xóm và lo lắng về giá trị tài sản giảm.
Ngoài phim ảnh, các hình thức văn hóa đại chúng khác đề cập đến quyền sở hữu căn hộ và bất động sản cũng đang thu hút sự chú ý.
Bộ truyện tranh mạng kinh dị “Deadly for the Property-Less” của họa sĩ truyện tranh Yugi đề cập đến chủ đề tất yếu về quyền sở hữu căn hộ và ham muốn của con người trong xã hội Hàn Quốc, nơi giá trị bất động sản có thể tăng hàng chục triệu won trong một thời gian ngắn.
Trong truyện, nhân vật Ji-ae sống ở một căn hộ đắt tiền tại Seoul. Các đồng nghiệp trong công ty đều tưởng rằng Ji-ae chủ căn hộ, nhưng thực ra cô sống trong nhà của người bạn thời trung học Ye-ji.
Khi Ye-ji vô tình qua đời, Ji-ae nhận ra cô không thể ở lại nếu cái chết của bạn mình bị phát hiện. Vì vậy, cô đã giấu xác trong tủ lạnh và che giấu cái chết.
Moon Kwan Kyu, giáo sư về văn hóa nghệ thuật và hình ảnh tại Đại học Quốc gia Pusan, lưu ý rằng căn hộ – loại hình nhà ở tiêu biểu của Hàn Quốc – luôn là chủ đề hấp dẫn.
“Kể từ những năm 1960, đã có nhiều bộ phim về căn hộ, nơi ở chính của người Hàn. Tuy nhiên, căn hộ – nơi từng là nhà của tầng lớp trung lưu giờ đây lại là ranh giới phân chia giàu nghèo, và không có nơi nào tốt hơn để thể hiện đẳng cấp như một căn hộ.
Sở hữu căn hộ đã trở thành biểu tượng của sự giàu có, và loại căn hộ mà người ta sống đã trở thành một đặc điểm xác định mức sống ở Hàn Quốc.
Điều này làm cho nó trở thành một bức tranh lý tưởng để khám phá các chủ đề về sự giàu có và bất bình đẳng. Đó là lý do tại sao nội dung văn hóa nghệ thuật đại chúng liên quan đến chủ đề căn hộ tiếp tục thu hút khán giả” – giáo sư Moon phân tích.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/apt-cua-rose-va-khat-khao-mua-nha-cua-nguoi-han-1418146.ldo