Nấu canh cua, canh cáy ngon, không tanh, nổi gạch cả tảng: Chỉ cần nhớ 2 bước này

Để có một nồi canh cua ngon trong ngày hè nóng bức bạn hãy nhớ hai mẹo này giúp canh ngon, không tanh, nổi gạch cả tảng.

Thời tiết nắng nóng, tất cả các món dầu mỡ chỉ nghĩ đến thôi cũng đã làm bạn phát ngán, khi đó chỉ một bát canh cua thanh mát kèm vài quả cà pháo cũng đủ trôi vèo đôi ba bát, giúp mâm cơm nhà thêm hấp dẫn hơn. Để nấu canh cua ngon bạn chỉ cần thực hiện một số bước đơn giản sau:

Nguyên liệu nấu canh cua (canh cáy)

nau-canh-cua-canh-cay-ngon-khong-tanh-noi-gach-ca-tang-chi-can-nho-2-meo-nay_1

+ Cua đồng: 4 đến 5 lạng cua đồng (hoặc cáy). Bạn hãy chọn những con cua đồng có màu vàng, mai bóng, chắc khỏe, chân đầy đủ, bò nhanh. Không nên mua cua cái lúc đang sinh sản vì nước tanh và gầy, cũng không nên chọn cua còn bé non gây mùi hôi.

+ Rau mồng tơi (1 bó) , mướp (1 quả mướp hương vừa hoặc 2 quả nhỏ).

+ Hành tím (1 củ).

+ Gia vị thường dùng: Dầu ăn, muối, hạt nêm, bột ngọt…

Cách làm canh cua (cáy) ngon

Bước 1: Cua đồng (hoặc cáy) mua về rửa sạch. Tiến hành lột phần mai, lấy gạch cho ra chén.

Bước 2: Phần thân cua cho vào cối cùng chút muối và giã đều. Sau đó lọc lấy nước, bỏ bã. Lọc đi lọc lại nhiều lần để nước cua không còn cặn bã. Nên cho từng lượng nước nhỏ để lọc để giã lại nhiều lần nhằm lấy hết phần thịt. Nếu bạn ngại giã, có thể dùng máy để xay nhưng cua giã tay sẽ ngon hơn cua xay

Bước 3: Rau mồng tơi nhặt sạch, chọn phần non tươi, sau đó đem ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút. Sau đó thái nhỏ hoặc để nguyên lá tuỳ vào sở thích. Mướp nạo vỏ, cắt miếng nhỏ.

Bước 4: Cho nước lọc cua đã làm ở bước 1 vào nồi và đặt lên bếp, đun nóng với lửa nhỏ để thịt cua kết lại, khuấy đều tay để tránh bị trào, vì trào sẽ làm mất phần thịt cua. Lưu ý dùng đũa khuấy nhẹ theo 1 chiều vòng tròn giúp riêu cua nổi lên, không bén đóng dưới đáy nồi.

Bước 5: Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn và phi hành tím băm cho thơm vàng. Tiến hành cho gạch cua vào, đảo đều trong vài phút.

Bước 6: Cho gạch cua xào và rau mồng tơi vào nồi nước luộc cua đang sôi. Cho 1 muỗng canh hạt nêm, nửa muỗng bột ngọt, 1 muỗng canh đường, một chút muối vào, nêm nếm lại một lần nữa cho vừa ăn rồi tắt bếp.

nau-canh-cua-canh-cay-ngon-khong-tanh-noi-gach-ca-tang-chi-can-nho-2-meo-nay_4

Một số mẹo để món canh cua được ngon và hấp dẫn

Cua sau khi lọc xong cho thêm chút muối vào nồi nước và dùng đũa khuấy kỹ, để lắng xuống tầm 30 phút rồi mới nấu.

Lúc nấu, bạn hãy dành thời gian đứng chờ nồi canh dần dần nóng, gạch bắt đầu nổi lên thì dùng đũa đẩy nhẹ gạch về một phía. Khi nào nồi canh sôi thì nhẹ nhàng cho rau, mướp vào một góc nồi giúp đẩy gạch cua bám mảng chắc hơn ở phần còn lại trong nồi. Như vậy chúng ta sẽ thu được một tảng dầy gạch cua trông núng nính cực kỳ bắt mắt. Sau đó hãy để nước sôi tràn qua mảng gạch cua một xíu để đảm bảo gạch chín.

Nếu bạn không thích chưng gạch cua thì khi nồi riêu cua sôi bạn cho gạch cua vào, sau đó mới cho rau xanh vào nấu chín.

Món canh cua đồng, khoai sọ, rau rút giúp ngủ ngon, ổn định tâm trạng

nau-canh-cua-canh-cay-ngon-khong-tanh-noi-gach-ca-tang-chi-can-nho-2-meo-nay_5

Món canh cua đồng (hoặc cáy) nấu với mùng tơi, rau đay và mướp giúp giải nhiệt mùa hè, trị lở ngứa. Còn nếu muốn chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn ít ngủ bạn nấu canh cua đồng với khoai sọ rau rút.

Thành phần: cua đồng 200g, khoai sọ 60g, rau rút 1 mớ.

Cách làm: Cua đồng bỏ yếm và mai, rửa sạch giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn. Khoai sọ cạo bỏ vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn, rau rút lấy phần lá, cọng non, bỏ rễ và bấc ngắt đoạn, rửa sạch. Cho khoai vào nước cua, nấu đến khi khoai chín nhừ, cho rau rút vào, đun vừa chín là được. Ăn trong ngày; dùng liền 2 – 3 ngày, kết quả sẽ cải thiện thấy rõ.