Lên sóng từ tối 12.10, đến nay phim “Jeong Nyeon” (Jeong Nyeon: The Star is Born/Jeong Nyeon: Ngôi sao vụt sáng) đang dần đi đến chặng cuối, với rating cao nhất tính đến hiện tại là 13,383% (trong tập 6).
Phim lấy bối cảnh năm 1950, kể về Yoon Jeong Nyeon (Kim Tae Ri) – người có xuất thân nghèo khó nhưng có giọng hát trời ban.
Cô quyết tâm theo đuổi ước mơ, trở thành gukgeuk – nữ nghệ sĩ có kĩ năng biểu diễn pansori (hình thức ca hát và nhảy múa truyền thống) sau cuộc gặp định mệnh với Moon Ok Kyung (Jung Eun Chae).
Korea Times đánh giá, gukgeuk vốn được ưa chuộng vào những năm 1950, 1960 tại Hàn Quốc, nhưng sau đó dần mai một khi khi các diễn viên lấn sân phim ảnh.
Vậy nên việc “Jeong Nyeon” tập trung vào thể loại gukgeuk ít được biết đến và có dàn diễn viên chính toàn nữ đã góp phần làm sống lại âm thanh, điệu nhảy và câu chuyện truyền thống của Hàn Quốc.
Theo báo Hàn, nhiều người trẻ không biết gukgeuk tồn tại, và chỉ thật sự quan tâm, tìm hiểu đến di sản văn hóa này hơn sau khi bộ phim lên sóng. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, sức hấp dẫn của bộ phim bắt nguồn từ cấu trúc độc đáo, nên sự tương đồng giữa gukgeuk và K-pop hiện đại.
Theo nhà phê bình văn hóa Jung Duk Hyun, quá trình đào tạo nghiêm ngặt của các thực tập sinh gukgeuk không khác nhiều so với những gì các thần tượng K-pop ngày nay phải trải qua. Cùng với đó là nền văn hóa người hâm mộ cuồng nhiệt xung quanh cả hai loại hình nghệ thuật.
“Giống như một chương trình thi đấu thực tế, ở gukgeuk, các nhân vật tranh giành những vai diễn tốt hơn. Hình thức này quen thuộc với khán giả Hàn Quốc, nhưng nó cũng gợi nhớ đến những chương trình đào tạo hoặc thử giọng K-pop.
Sự kết hợp giữa ca hát, nhảy múa và sự phân chia rõ ràng giữa các thực tập sinh và nghệ sĩ mới ra mắt khiến bộ phim mang đến cảm giác hiện đại, mặc dù bối cảnh gukgeuk là những năm 1950” – Jung Duk Hyun nói.
Trong khi đó, nhà phê bình Kim Hern Sik cũng dành lời khen ngợi cho “Jeong Nyeon” vì tính đột phá. Ông cho rằng, nhà sản xuất đã có “bước đi táo bạo” khi thực hiện bộ phim dựa trên các loại hình nghệ thuật ít người biết đến như pansori và gukgeuk.
“Bằng cách tập trung câu chuyện xung quanh các nghệ sĩ nữ và khát vọng của họ, bộ phim thách thức các vai trò giới tính truyền thống. Cách phim tập trung vào việc trao quyền cho phụ nữ và sự phát triển của họ là một chủ đề hấp dẫn.
Hơn nữa, việc mô tả chi tiết các buổi biểu diễn gukgeuk – một điều hiếm thấy trên phương tiện truyền thông, đại diện cho một sự đổi mới mang tính đột phá trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa.
Ít có bộ phim nào đào sâu vào quá trình tập dượt và biểu diễn các tác phẩm gukgeuk cổ điển như “Jeong Nyeon” – Kim Hern Sik nhận xét.
Nam phê bình cho rằng, nếu như các hoạt động xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc từng không được quan tâm nhiều, thì giờ đây, mọi người trên toàn cầu đều tò mò về bất kì điều gì liên quan đến Hàn Quốc.
Không chỉ với “Jeong Nyeon” mà gần nhất, ý nghĩa ca khúc “APT.” của Rosé cũng khơi dậy nhiều sự tò mò. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp tăng độ phổ biến của văn hóa Hàn Quốc.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/phim-cua-kim-tae-ri-pha-vo-dinh-kien-san-khau-nu-da-loi-thoi-1417458.ldo