Cây vối toàn thân từ lá đến nụ đều có những công dụng tốt. Lá, cành non và nụ vối thường có mùi thơm dễ chịu đặc trưng. Do vậy, người dân thường đun nước vối hay trà vối để uống giải khát hàng ngày, tương tự như nước chè xanh.
Không những vậy, lá vối, nụ vối và quả vối có thể được thu hái để nấu nước uống, làm thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, chất đắng trong nước lá vối sẽ giúp kích thích tiết nhiều dịch tiêu hoá, bảo vệ niêm mạc ruột, từ đó có thể được dùng để chữa đau bụng, tiêu chảy, viêm đại tràng mãn tính, đầy bụng, ăn không tiêu, đi ngoài sống phân…
Trong lá vối, nụ vối có tanin, một số chất khoáng, vitamin và có khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis…
Lá vối có tác dụng hỗ trợ điều trị gout
Lá vối được coi là cứu tinh với những người bị bệnh gout – “bệnh của nhà giàu”. Theo Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Lá và nụ vối có công dụng giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là thức ăn có nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu tiêu độc. Bệnh nhân gout là do ăn uống nhiều chất béo ngọt, ứ đọng nhiều chất uric; mặt khác do hệ thống tiêu hóa và thận bài tiết đào thải không tốt dẫn đến uric ứ đọng ở các khớp gây nên tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau khớp.
Tác dụng nụ vối hỗ trợ điều trị tiểu đường
Một nghiên cứu gây chú ý là tác dụng của nụ vối trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng giữa Viện Dinh dưỡng quốc gia (Việt Nam) và Đại học Phụ nữ Nhật Bản đã chứng minh các hợp chất flavonoid trong chè nụ vối rất hiệu quả trong việc hỗ trợ phòng và điều trị bệnh nhân tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường nếu uống thường xuyên chè nụ vối sẽ giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, chống ôxy hóa tế bào, bảo vệ tổn thương tế bào beta tuyến tụy, phòng ngừa đục thủy tinh thể ở người bệnh tiểu đường và giúp tăng chuyển hóa cơ bản. Điều đặc biệt là uống nụ vối không có tác dụng phụ đáng kể nên có thể uống thường xuyên.
Giải nhiệt và thanh lọc
Cây lá vối chứa một nguồn chất khoáng và vitamin dồi dào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nước từ lá vối không chỉ thơm ngon mà còn mang lại cảm giác thanh mát, dễ chịu khi uống. Nên lá vối còn có công dụng giải khát, thanh lọc gan thận, tăng đào thải chất độc qua nước tiểu.
Đối với uống nước lọc thì khoảng sau 30 – 40 phút cơ thể sẽ đào thải hết. Còn uống nước vối thì cơ thể chỉ đào thải khoảng 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ được thải ra từ từ sau đó. Nhờ sự đào thải chậm sẽ giúp cơ thể không mất nước giảm tình trạng khát nước.
Hỗ trợ tiêu hoá
Lá vối có công dụng hỗ trợ tiêu hóa, nước lá vối giúp kích thích dạ dày tiết nhiều dịch tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ngăn ngừa đầy bụng và khó tiêu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng kết hợp với sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa để giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm táo bón, đầy hơi, khó tiêu và tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất.
Kháng khuẩn
Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chất acid triterpenic trong lá vối có tác dụng chống viêm, ổn định lượng đường trong máu, kháng virus và chống lại khối u, giúp chống nhiễm trùng, nhiễm khuẩn do vết thương.
Chữa các bệnh ngoài da
Trong lá vối có chứa một vài chất kháng sinh tự nhiên giúp chữa lành, tái tạo làn da và hạn chế sự phát triển của những loại vi khuẩn của các bệnh như lở loét, ghẻ, mẩn đỏ.
Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.
Tốt cho phụ nữ mang thai
Loại cây này có thể giúp tăng cường chức năng tuyến sữa, hỗ trợ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, do chúng có tính kháng khuẩn bà bầu cần cân nhắc khi sử dụng để tránh tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.