Tập đoàn Sơn Hải quyết tâm đưa dự án 25.000 tỷ thành cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam

Đây là một tuyến giao thông chiến lược kết nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên.

Tuyến cao tốc Nha Trang – Đà Lạt sẽ kết nối trực tiếp với cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai, tạo thành một tuyến giao thông chiến lược kết nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 81,5km, trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 44 km và đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 37,5km. Điểm đầu của cao tốc nằm tại nút giao với cao tốc Bắc – Nam ở xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tập đoàn Sơn Hải quyết tâm thực hiện dự án với mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam

Tập đoàn Sơn Hải quyết tâm thực hiện dự án với mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam

Theo ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt sẽ ảnh hưởng đến khoảng 409ha đất lâm nghiệp. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến theo phương án nhà đầu tư đề xuất là khoảng 25.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải – đơn vị đề xuất đầu tư dự án đã nhấn mạnh, sự cần thiết của việc xây dựng cao tốc và đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù liên quan đến diện tích rừng khi triển khai. Ông Hải đề xuất các giải pháp như xây cầu cạn, tường chắn, cầu đúc, và hầm để giảm thiểu tối đa diện tích rừng bị ảnh hưởng.

Theo tính toán, các giải pháp này có thể giúp giảm khoảng 30% diện tích rừng bị ảnh hưởng, tương đương với 125ha. Ông Hải khẳng định: “Tập đoàn Sơn Hải quyết tâm thực hiện dự án với mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam”.

Sau khi nghe báo cáo từ hai địa phương và ý kiến từ các đơn vị đầu tư, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng đánh giá đây là dự án quan trọng kết nối miền Trung với Tây Nguyên, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Tập đoàn Sơn Hải, các địa phương liên quan, và Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng các giải pháp kỹ thuật tối ưu, tính toán kỹ lưỡng các đoạn có chênh lệch địa hình cao, xác định hướng tuyến và khoảng cách chính xác hơn. Đồng thời, cần trình bày rõ về hiệu quả kinh tế của dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Quốc hội xem xét phê duyệt.