Chỉ bằng hành động nhỏ, gia đình có thể giải quyết được vấn đề với chiếc bếp gas, đồng thời tiết kiệm được phần nào chi phí khi sử dụng.
Nhắc tới căn bếp của mọi gia đình, chắc chắn không thể bỏ qua vật dụng mang tên bếp nấu. Bếp nấu có nhiều loại, song một trong những loại phổ biến, được nhiều gia đình sử dụng nhất, thì chính là bếp gas.
Được ưa chuộng là bởi cơ chế hoạt động cũng như cách sử dụng của loại bếp này khá đơn giản. Khi bật bếp thông qua nút bấm điện tử hoặc núm vặn cơ học, lúc này, khí gas từ bình sẽ đi qua đường ống dẫn khí, lên đến các vòi phun của bếp dưới mâm chia lửa. Đồng thời, bộ phận gốm áp điện hoặc một mạch điện tử sẽ tạo ra tia lửa, bắt vào dòng khí. Từ đó, khí gas sẽ bốc cháy thành ngọn lửa, được phân bổ lên các đầu phun.
Giải quyết vấn đề bếp gas chỉ bằng chiếc tăm
Ngọn lửa thông thường sẽ có màu xanh, tuy nhiên khi ngọn lửa đã chuyển sang màu đỏ, trạng thái cháy không đều, thậm chí nửa cháy nửa tắt, thì có nghĩa là bếp đang gặp vấn đề. Hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài khiến việc nấu nướng của người dùng mất nhiều thời gian hơn, tốn nhiều gas và lãng phí gas hơn.
Các chuyên gia cho biết, để giải quyết vấn đề, đôi khi người dùng chỉ cần sử dụng đúng 1 chiếc tăm. Nguyên nhân vấn đề phần lớn đến từ thói quen không vệ sinh bếp gas sau thời gian dài của gia chủ, đặc biệt là khu vực các lỗ phun đầu đốt có kích thước li ti.
Khu vực này có thể bị bụi bẩn, dầu mỡ, vụn thức ăn hoặc các loại cặn bẩn từ gas, dầu bịt lại. Vì vậy, người dùng có thể dùng tăm, đưa vào các lỗ phun đầu đốt để vệ sinh, đẩy các chất bẩn ra ngoài.
Để vệ sinh kỹ và sâu hơn, có thể nhấc hẳn phần lõi bếp lên, tiếp tục cố định tăm trong các lỗ phun đầu đốt này rồi vệ sinh lõi bếp với nước sạch và dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Cuối cùng, để bếp khô tự nhiên hoặc dùng khăn mềm lau, sau đó lắp lại vào vị trí ban đầu.
Một chiếc tăm có thể giải quyết các loại cặn bẩn ẩn chứa trong các lỗ phun đầu đốt bếp gas có kích thước li ti (Ảnh minh họa)
Bằng các thao tác trên, những vấn đề tồn tại ở bếp gas có thể được giải quyết. Lửa sẽ được cháy một cách bình thường, ổn định, đẩy nhanh quá trình nấu nướng từ đó tiết kiệm gas cho gia đình.
Để kiểm tra, người dùng hãy bật bếp gas trở lại và quan sát nó. Nếu cảm thấy lực cháy của lửa tăng lên đáng kể thì có nghĩa và vật cản ở các lỗ phun đầu đốt đã được loại bỏ hoàn toàn.
Chỉ với các cách làm đơn giản, người dùng đã có thể tự giải quyết vấn đề của bếp gas tại nhà. Các đại lý phân phối cũng khuyên rằng, để hạn chế tối đa việc các cặn bẩn từ dầu, gas thừa, người dùng cần thực hiện thêm 1 bước sau trước khi tắt bếp gas. Đó là khóa van bình gas lại.
Khi gas từ bình được chuyển qua ống lên bộ phận đốt của bếp, sau khi sử dụng xong, khả năng sẽ tồn đọng một lượng thừa nhất định. Đây là lượng gas đã được chuyển ra khỏi bình và ống dẫn gas. Chính vì vậy, việc khóa van bình gas rồi tắt bếp sẽ đảm bảo đảm bảo cho lượng gas thừa được tiêu thụ hết, đảm bảo không có gas bị rò rỉ bên ngoài bình gas. Bên cạnh đó, nó cũng giúp cho lần sử dụng sau, khi bật bếp sẽ không bị tình trạng bùng lửa đột ngột.
Các phương pháp sử dụng bếp gas tiết kiệm
Dưới đây là một số lời khuyên người dùng có thể tham khảo để việc sử dụng gas, bếp gas tại nhà được tiết kiệm hơn
1. Hạn chế đun nấu ở nhiệt độ quá lớn
Nhiều người quan niệm bật lửa càng lớn thì thức ăn sẽ càng được nấu chính nhanh chóng, từ đó tiết kiệm gas hơn. Tuy nhiên trên thực tế lại hoàn toàn gây phản tác dụng.
Ví dụ khi đun nước, khi nước đã sôi, hãy giảm nhiệt về mức thấp nhất rồi tắt dần. Nếu điều chỉnh lên mức nhiệt cao nhất, nước cũng sẽ không thể nóng hơn nữa mà thay vào đó sẽ là tiêu tốn một lượng lớn gas không cần thiết.
Thêm vào đó, ngọn lửa lớn còn tiềm ẩn làm đồ lâu chín hơn, bởi khi đó nhiệt sẽ không tập trung hoàn toàn vào đáy nồi mà sẽ bị phân tán ra môi trường xung quanh một cách lãng phí. Chính vì vậy, thay vì luôn để lửa lớn, hãy đun nấu ở nhiệt độ vừa phải, vừa đủ làm thức ăn chín, vừa giúp tiết kiệm gas.
2. Không bật, tắt bếp quá nhiều lần
Việc bật tắt bếp gas nhiều lần trong thời gian nấu không chỉ gây tốn gas mà còn vô tình cũng làm giảm tuổi thọ của bếp. Trước khi bắt tay vào chế biến món ăn cho gia đình mình, người dùng nên chuẩn bị sẵn đầy đủ nguyên liệu và lên kế hoạch mình sẽ nấu những món ăn gì. Có như vậy, khi bật bếp gas lên, việc nấu ăn mới có thể diễn ra liên tục và đúng theo quy trình, cho ra món ăn ngon miệng và hạn chế việc lãng phí gas.
3. Hạn chế mở nắp nồi sau khi nấu
Sau khi đã nấu chín thực phẩm, nếu chưa sử dụng ngay, hãy tiếp tục đậy nắp nồi để giữ nhiệt. Việc hạn chế hơi nóng thoát ra sẽ giúp người dùng cắt giảm thời gian sử dụng gas, không cần đun đi đun lại đồ nhiều lần, vô tình gây tốn gas hơn. Thêm vào đó, việc đậy nắp nồi cũng sẽ ngăn sự bay hơi của một số chất dinh dưỡng của thức ăn.
4. Để ý hơn đến các loại nồi, chảo
Bếp gas được xem là loại bếp “dễ tính” hơn hẳn so với bếp từ và bếp điện khi có thể áp dụng đa phần loại nồi, chảo để sử dụng. Tuy nhiên để đảm bảo có được độ dẫn nhiệt tốt nhất từ bếp đến thực phẩm, người dùng nên ưu tiên sử dụng các loại nồi, chảo làm bằng đồng, thép hay inox đế mỏng. Khi thức ăn được làm chín nhanh hơn, đồng nghĩa với việc thời gian nấu trên bếp giảm đi, từ đó tiết kiệm gas hơn.
Tiếp theo, hãy luôn chắc chắn rằng nồi, niêu, xoong, chảo nhà bạn luôn ở trong tình trạng tốt, không trầy xước, nứt vỡ, móp méo và luôn được vệ sinh sạch sẽ. Việc tình trạng chiếc nồi không còn nguyên vẹn sẽ ảnh hưởng phần nào tới khả năng hấp thụ nhiệt của chúng, thực phẩm nấu lâu chín, gây tốn gas.
Cuối cùng là về cách sử dụng. Các loại nồi phải có kích thước phù hợp với lượng thức ăn cần nấu, không nên nấu lượng thức ăn nhỏ trong chiếc nồi to, như vậy sẽ rất lãng phí gas.
Theo Aboluowang