Các loại biển báo thường thấy trên cao tốc gồm lối vào/ra, biển thông tin, địa danh, khoảng cách an toàn, nhập làn, đường hẹp, tốc độ tối đa/tối thiểu.
Với những tài xế ít chạy cao tốc, có những loại biển báo cần hiểu rõ để việc lái xe an toàn, hiệu quả và giảm ùn tắc. Hiện hầu hết biển báo trên cao tốc cũng là những biển báo cơ bản trong hệ thống báo hiệu giao thông, nhưng với đặc thù đường cao tốc, tài xế cần hiểu rõ ý nghĩa và những tác động của biển, vạch kẻ đường.
Biển lối vào, ra, nút giao
Biển thông báo lối vào, lối ra và lối giao là những biển thông dụng khi tài xế đi trên một tuyến đường cao tốc, ghi rõ thông tin như tên tuyến đường, khoảng cách từ nơi cắm biển đến lối vào/ra và lối giao, vì vậy rất dễ hiểu cho cả lái mới.
Nếu là lối vào, tài xế cần đảm bảo tài khoản thu phí cao tốc còn đủ tiền để qua trạm, sẵn sàng chân ga để tăng lên tốc độ tối thiểu khi đã bắt đầu vào cao tốc, và giảm tốc độ khi gần đến nút giao hoặc lối ra.
Điều quan trọng cần lưu ý với tài xế mới, khi đã qua biển lối vào cao tốc, sẽ không có cơ hội quay đầu, đường cắt ngang nhiều như quốc lộ, mà phải chờ hàng chục km tới lối ra. Vì vậy, cần xác định rõ đường cao tốc có phải là lộ trình mong muốn hay không, tránh đi nhầm đường. Khi đã đi “lạc” vào cao tốc, cần đi tiếp để tìm lối ra, không quay đầu, đi lùi.
Biển báo các địa danh, tên đường và khoảng cách trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Ảnh:Việt Quốc
Khi lưu thông trong cao tốc, tài xế còn có thể gặp các biển báo thông tin khác như trạm dừng nghỉ, đỗ xe, các địa danh, lối ra, trạm cân, trạm thu phí… Thông thường những thông tin này đi kèm với khoảng cách từ nơi đặt biển đến địa điểm được nêu. Khi đã nhìn thấy biển lối ra, tài xế phải cho xe chuyển dần sang làn phải sát làn dừng khẩn cấp để sẵn sàng thoát khỏi cao tốc, tránh trường hợp bám làn trái rồi tạt đầu xe khác để ra ngoài.
Biển khoảng cách an toàn
Biển thông báo khoảng cách an toàn trên cao tốc Mai Sơn. Ảnh: Lê Hoàng
Để giúp các tài xế ước lượng được khoảng cách an toàn giữa các xe, trên đường cao tốc sẽ có biển báo khoảng cách an toàn, đánh số 0-50-100-150-200 m. Kèm theo đó, dưới nền đường thường có vạch kẻ dạng ngựa vằn (giống vạch cho người đi bộ sang đường trên đường phố).
Tài xế có thể ước lượng khoảng cách với xe phía trước bằng cách tiến đến vị trí 0 m, sau đó quan sát xe phía trước và đối chiếu với các mốc độ dài. Lưu ý trong điều kiện thời tiết xấu, trời tối, cần tăng khoảng cách an toàn xa hơn, khoảng 200 m.
Biển nhập làn
Một ôtô nhập vào làn cao tốc La Sơn – Túy Loan. Ảnh: Võ Thạnh
Cuối cùng, biển báo nhập làn thường thấy khi tài xế đi vào cao tốc từ những nhánh nhỏ ở khoảng giữa tuyến đường, không phải từ đầu đến cuối cao tốc. Ở những biển này cũng có thông tin về khoảng cách đến điểm nhập làn, tài xế cần tập trung quan sát, giảm tốc độ, và nhập làn khi đảm bảo đủ điều kiện an toàn.
Biển tốc độ tối đa, tối thiểu
Một đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có biển thông tin tốc độ tối đa và tối thiểu. Ảnh: Hoàng Nam
Biển báo tốc độ tối đa, tối thiểu nhằm đảm bảo các xe di chuyển trong cao tốc một cách hiệu quả và an toàn nhất. Trong khi biển báo tốc độ tối đa (tròn, nền trắng, viền đỏ, số ở giữa) rất quen thuộc, thì nhiều tài xế lại bỡ ngỡ với biển tốc độ tối thiểu (tròn, nền xanh, số ở giữa). Ví dụ trong biển trên, tối đa 80 km/h, tối thiểu 60 km/h. Khi không có tốc độ quy định cụ thể cho từng làn, đồng nghĩa với việc mỗi làn có tốc độ quy định như nhau.
Nếu chạy với tốc độ tối thiểu, tài xế cần đi về phần đường phía phải đối với cao tốc có 4 làn xe trở lên (hai làn mỗi hướng). Làn bên trái ưu tiên cho những xe cần vượt, hoặc những xe chạy nhanh.
Trên nhiều đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay cũng gắn những bảng chỉ dẫn với nội dung “xe đi chậm hơn đi về phía bên phải”.
Biển cấm vượt, cho phép vượt
Bảng cấm vượt trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Ảnh: Như Nguyện
Tại một số cao tốc với quy mô hai làn xe, không dải phân cách cứng thường có bảng cấm vượt và cho phép vượt. Tài xế không được phép vượt khi xuất hiện bảng cấm vượt, và chỉ vượt khi đủ điều kiện an toàn, phía trước trống xe, cao tốc không tắc nghẽn.
Biển cấm vượt có hình tròn, nền trắng, viền đỏ, có hình ảnh hai xe đỏ và đen đi bên cạnh nhau, biển này thường được kết hợp với vạch kẻ đường màu vàng nét liền, thông báo xe không được vượt trên đoạn đường phía trước cho đến khi biển cho phép vượt, hoặc hết các lệnh cấm xuất hiện.
Biển đường hẹp
Biển báo “Đường hẹp” khi gần tới nút thắt tại cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Ảnh: Xuân Tình
Biển đường hẹp trên cao tốc thường xuất hiện khi quãng đường phía trước bị thu hẹp làn đường, xuất hiện ở những nút giao. Khi gặp biển này, tài xế cần giảm tốc độ, chú ý quan sát để dần nhập vào một làn cùng những xe khác.
Biển đường hẹp thuộc thể hiện bằng hình tam giác, viền đỏ, nền vàng, có ký hiệu tương tự hình cổ chai, với phần hẹp được biểu hiện nghiêng về một bên.
Giới hạn chiều cao
Biển giới hạn chiều cao. Ảnh: Bùi Toàn
Cầu vượt thường được sử dụng để kết nối giao thông dân sinh khu vực hai bên đường cao tốc, vì vậy các tài xế cũng cần lưu ý loại biển báo giới hạn chiều cao để lựa chọn xe phù hợp, đặc biệt là các tài xế xe tải, container. Theo đó, biển báo giới hạn chiều cao là loại tam giác vàng, viền đỏ, với hai mũi tên đen và dòng chữ số thể hiện giới hạn, ở ảnh trên là 5 m.
Vạch kẻ đường
Các loại vạch kẻ đường trên cao tốc La Sơn – Túy Loan. Ảnh: Võ Thạnh
Các vạch kẻ đường thông dụng trên cao tốc bao gồm vạch chia làn đường, vạch mũi tên, vạch xương cá kênh hóa dòng phương tiện.
Đối với vạch kẻ liền, tài xế không được phép lấn qua vạch này. Với nét đứt, được phép lấn khi cần thiết, đảm bảo an toàn. Tài xế không được di chuyển trên vạch xương cá, vì đây là phần đường kênh hóa dòng xe, tức tạo khoảng cách an toàn cho các phương tiện khi chia hoặc nhập làn. Vạch mũi tên hiển thị hướng di duyển tương ứng trên mỗi làn xe, và báo hiệu nhập làn.